Gan được xem như “nhà máy” để chế biến, tổng hợp, dự trữ các chất dinh dưỡng và thải độc, để duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể. Các chất dinh dưỡng (đường, đạm, béo, chất khoáng hay vitamin) từ thức ăn sau khi được tiêu hóa và hấp thu vào máu sẽ được chuyển đến gan để được “chế biến”, dự trữ và đào thải. Bên cạnh đó, gan còn có chức năng chuyển hóa và đào thải rượu.
Vì gan có vai trò quan trọng trong chuyển hóa các chất dinh dưỡng như vậy, nên một khi gan bị xơ, suy gan sẽ dẫn đến ăn không tiêu, cảm giác mau no, ăn không ngon miệng, hoặc có cảm giác buồn nôn… dẫn đến người bệnh bị suy dinh dưỡng. Tần suất suy dinh dưỡng từ 20- 60%. Suy gan càng nặng thì tần suất và mức độ suy dinh dưỡng càng nhiều và trầm trọng. Suy dinh dưỡng nặng thường gặp trong xơ gan giai đoạn cuối.
Ngày 15 tháng 2 năm 2023 vừa qua, Cty CPDP Otsuka Việt Nam kết hợp cùng khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân với chủ đề: “Dinh dưỡng hoàn chỉnh cho bệnh nhân gan”.
Sinh hoạt CLB bệnh nhân tại khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện Thống Nhất
CKII. Ngô Thị Thanh Quýt đã có những chia sẻ về chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện chức năng gan. Một người bị bệnh gan có thể không nhận đủ năng lượng từ thức ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng, giảm cân, teo cơ nhưng tình trạng này có thể điều chỉnh được với chế độ ăn uống phù hợp:
- Đầy đủ dưỡng chất và cân đối giữa các chất dinh dưỡng.
- Giàu BCAA (Acid amin phân nhánh) (chiếm khoảng 50% tổng lượng đạm).
- Chất béo tốt: ít béo bão hòa, ít cholesterol, chứa nhiều acid béo không bão hòa.
- Cung cấp đầy đủ chất khoáng và vitamin theo nhu cầu hàng ngày (RDA).
- Bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gan rất quan trọng, người nhà và bệnh nhân cần lưu ý giữ chế độ ăn khoa học, giúp cho bệnh nhân gan nhanh chóng phục hồi và kết quả điều trị tốt hơn.